Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc giaNhững điểm nào bất thường của đợt nắng nóng vừa qua
Theo Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia cho biết: Trong khoảng thời gian 02 ngày đầu tháng 6/2025 ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung đã xảy ra một đợt nắng nóng gay gắt, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 40 độ; điểm khác thường của đợt nắng nóng vừa qua đó là vùng nóng gắt nhất của đợt nóng không ở khu vực miền Trung mà lại xảy ra ở khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ. Nguyên nhân là do Áp thấp nóng phía Tây mở rộng về phía Đông, lan đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Đây là khối không khí khô, nóng có nguồn gốc từ vùng Tây Nam châu Á, hoạt động mạnh trong mùa hè, đặc biệt vào tháng 5–6. Khi lan về phía Đông, khối không khí này gây ra sự gia tăng nhiệt độ rõ rệt ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó tác động của hiệu ứng phơn gây ra khi Gió mùa Tây Nam hoạt động vượt qua dãy Trường Sơn (đối với Trung Bộ) và dãy Hoàng Liên Sơn (đối với Bắc Bộ) làm cho không khí bị nén lại và tăng nhiệt, làm mặt đất nóng lên nhanh.
Về số liệu, tuy đợt nóng không phá kỷ lục tuyệt đối trong lịch sử khí tượng, nhưng đã tiệm cận nhiều trị số cực đoan, cụ thể:
Phù Liễn (Hải Phòng) ghi nhận 39.5°C – chạm mức cao nhất từng ghi nhận trong tháng 6 từ năm 2017. Hà Nội (Láng) đạt 40.6°C – cao thứ ba trong lịch sử tháng 6 tại trạm này. Bắc Mê (Hà Giang): 40.1°C – sát kỷ lục 41.3°C năm 2023.
Trong bối cảnh toàn cầu, mùa hè năm 2025 được ghi nhận là một trong những mùa hè nóng nhất từng có, với các đợt nóng kỷ lục ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á. Hiện tượng nắng nóng kéo dài đi kèm hạn hán và cháy rừng đang để lại hậu quả nghiêm trọng ở nhiều khu vực. Riêng châu Âu ghi nhận lượng mưa thấp và hạn đến sớm, khiến nền nhiệt tăng nhanh và nguy cơ thiếu nước gia tăng.
Những đợt nắng nóng cục bộ, gay gắt và kéo dài vẫn ở mức cao
Theo số liệu quan trắc và dự báo hiện tại, mùa hè năm 2025 tại Việt Nam có xu hướng nhiệt độ trung bình xấp xỉ đến cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm (TBNN). Nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, nhưng nhìn chung tần suất và cường độ được dự báo ở mức xấp xỉ TBNN, tức không quá bất thường nếu xét trên bình diện tổng thể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu liên tục lập kỷ lục, nguy cơ xuất hiện những đợt nắng nóng cục bộ, gay gắt và kéo dài vẫn ở mức cao. Theo dự báo mới nhất từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy:
Mùa hè năm 2025 sẽ tiếp tục nằm trong chuỗi năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể vượt ngưỡng 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Có tới 70% khả năng giai đoạn 2025–2029 sẽ ghi nhận ít nhất một năm có mức nhiệt trung bình vượt ngưỡng 1,5°C.
Khu vực Bắc Cực được dự báo ấm lên nhanh hơn gấp 3,5 lần so với mức trung bình toàn cầu, kéo theo những hệ lụy như tan băng nhanh, mực nước biển dâng, và các hệ thống khí quyển toàn cầu bị xáo trộn.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế toàn cầu này. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, mưa lớn cục bộ, hạn hán có khả năng xuất hiện với tần suất và cường độ gia tăng, đặc biệt trong những tháng cao điểm của mùa hè.
Vì vậy, dù được dự báo nhiệt độ ở mức xấp xỉ đến cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm, vẫn có khả năng xuất hiện những đợt nắng nóng khốc liệt, với nhiệt độ cao từ 40–42°C, thậm chí không loại trừ khả năng vượt ngưỡng lịch sử tại một số địa phương – như đã từng xảy ra trong các năm gần đây.
Chúng tôi khuyến cáo người dân, các địa phương và ngành chức năng cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, đồng thời có biện pháp chủ động ứng phó với nắng nóng.
Mùa mưa bão năm nay sẽ không quá dồn dập, nhưng vẫn tiềm ẩn những đợt mưa lớn, mưa cực đoan
Trước hết, cần làm rõ rằng tháng 5 là thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Bắc Bộ, do chịu ảnh hưởng của các hình thế gây mưa mùa hè như hội tụ gió, kết hợp với rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Bắc Bộ. Tuy nhiên, Bắc Trung Bộ thường bước vào mùa mưa muộn hơn, khoảng từ tháng 8 trở đi.
Việc xảy ra mưa lớn trên diện rộng, kéo dài trong nửa cuối tháng 5 tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là đợt mưa lớn ngày 24–25/5 tại Hà Tĩnh, có thể coi là bất thường về cường độ và phạm vi, nhưng không hoàn toàn trái quy luật khí hậu. Nguyên nhân chính là do không khí lạnh vẫn còn hoạt động trong tháng 5 năm nay, với một đợt lạnh tràn sâu xuống nước ta vào các ngày 25–26/5, kết hợp với nhiệt độ nền cao và ẩm dồi dào sẳn có, đã gây ra mưa dông trên diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Dự báo xa hơn trong bối cảnh năm 2025, các mô hình khí hậu cho thấy hiện tượng ENSO có xu hướng duy trì ở trạng thái trung tính, điều này đồng nghĩa với khả năng mùa mưa bão năm nay sẽ không quá dồn dập, nhưng vẫn tiềm ẩn những đợt mưa lớn, mưa cực đoan do tác động của các hình thế thời tiết khác như hội tụ gió, rãnh áp thấp hoặc bão và áp thấp nhiệt đới.
Dự báo cho thấy từ tháng 6, các đợt mưa lớn diện rộng vẫn có khả năng xuất hiện ở Bắc Bộ. Sau đó, vùng mưa sẽ dịch dần xuống phía Nam, theo quy luật mùa mưa khí hậu của Việt Nam, và kết thúc vào khoảng tháng 11–12 tại Trung Bộ.
Dù chưa có dấu hiệu cho thấy mùa mưa năm nay sẽ quá cực đoan, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm vẫn có thể xảy ra cục bộ, bao gồm: Mưa lớn ngắn hạn gây ngập úng ở đô thị và vùng trũng thấp; Lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực vùng núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên – nơi địa hình dốc và độ bão hòa ẩm trong đất cao sau mưa.
Vì vậy, các địa phương và người dân vẫn cần nâng cao cảnh giác, đặc biệt trong các tình huống mưa lớn xảy ra sau thời gian nắng nóng kéo dài – là điều kiện dễ dẫn đến hình thái thời tiết nguy hiểm như dông lốc, lũ quét và sạt lở đất.