Ngày 19/6, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 'Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030' giai đoạn 2026 - 2030. Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đến năm 2030, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, sát với tình hình thực tế của các địa phương và đơn vị liên quan
Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng phòng chống thiên tai cho cán bộ các cấp và cộng đồng dân cư, đặc biệt tại những khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Qua đó, từng bước xây dựng cộng đồng an toàn, chủ động thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản và môi trường.
Các mục tiêu cụ thể Đề án hướng đến là hoàn thiện hệ thống hướng dẫn đào tạo, tập huấn, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các cấp học; nâng cao nhận thức và kỹ năng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho các nhóm đối tượng theo quy định tại Quyết định số 553/QĐ-TTg.
Đồng thời, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên và lực lượng tham gia phòng chống thiên tai các cấp, bao gồm cả lực lượng xung kích, khuyến nông viên, thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu và phổ biến chính sách, quy định liên quan.
Người dân ở các xã thường xuyên xảy ra thiên tai như bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh.
Đề án cũng chú trọng tăng cường sự tham gia của các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong các hoạt động nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định 2 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, cần nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng liên quan. Trọng tâm là cập nhật, điều chỉnh các hướng dẫn, quy trình có nội dung liên quan đến nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thủy lợi, nước sạch nông thôn, đảm bảo phù hợp với tình hình thiên tai hiện nay và mô hình tổ chức chính quyền hai cấp. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác đào tạo và truyền thông.
Thứ hai, Đề án xác định cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục cộng đồng. Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai sẽ được triển khai đa dạng về hình thức, phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm dân cư trong cộng đồng.
Ngoài ra, Đề án cũng đặt mục tiêu nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình xã điển hình về nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro thiên tai; tổng hợp và chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn.
Đặc biệt, các hoạt động truyền thông chuyên biệt sẽ được tổ chức nhằm hướng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, cũng như người dân vùng sâu, vùng xa.
Song song với đó là các hoạt động thực hành, mô phỏng tình huống thiên tai nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó thực tế cho cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao.